Thông tin giới thiệu chung Về xã Ôn Lương
I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
1.Điều kiện tự nhiên
Xã Ôn Lương là một xã miền núi cách trung tâm kinh tế, chính trị huyện Phú Lương 10km về phía Tây, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 1707,79 ha. Dân số của xã là 976 hộ và 3839 nhân khẩu, đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân chủ yếu là làm nông nghiệp, số hộ làm nông nghiệp chiếm khoảng 98%. Dân tộc thiểu số chiếm 90%, dân số được phân bố ở 10 xóm, chủ yếu tập trung dọc các tuyến đường Tỉnh lộ, đường liên xã và liên thôn.
1.1. Vị trí địa lý
Xã Ôn Lương có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.707,79ha nằm ở phía Tây của huyện Phú Lương. Ranh giới hành chính của xã được xác định như sau:
Phía Đông giáp với xã Phủ Lý, xã Yên Đổ.
Phía Tây giáp với xã Bộc Nhiêu huyện Định Hóa và xã Phúc Lương - huyện Đại Từ.
Phía Nam giáp với xã Hợp Thành.
Phía Bắc giáp với xã Phú Tiến huyện Định Hóa.
1.2. Địa hình
Xã Ôn Lương là một xã miền núi trung du, nhiều đồi núi nằm rải rác trên toàn bộ xã, chủ yếu là núi đất, (không có núi đá) nằm rải rác bao bọc xen kẽ là những thung lũng nhỏ tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm xã, độ cao trung bình từ 49,8 – 236,8m, độ đốc trung bình 0 - 8o, tạo nền địa hình tương đối phức tạp. Cao về phía Bắc và thấp dần về phía Nam.
1.3. Khí hậu - Thủy văn
Theo số liệu của trạm quan trắc khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, qua một số năm gần đây cho thấy xã Ôn Lương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia làm 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông.
Nhiệt độ không khí trung bình năm: 22 độ C.
Độ ẩm không khí trung bình năm: 82%
Lượng mưa trung bình năm là 2097mm, trong đó mùa mưa chiếm 91,6% lượng mưa cả năm, nhiều nhất vào tháng 7 và 8, nhiều khi sảy ra lũ.
Đặc điểm gió: Hướng gió thịnh hành chủ yếu vào mùa mưa là gió Đông – Nam, vào mùa khô là gió Đông – Bắc.
Số ngày có sương mù trong năm: khoảng 4-5 ngày.
Xã có hệ thống Ao, hồ đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nhưng chủ yếu là các hồ: Hồ Na Mạt, hồ Tuông Lậc, Hồ Đầm Mèng; có hai hệ thống sông chính là Sông Đu và sông Thác Dài và hệ thống ao, đầm, mương thuỷ lợi và một số tuyến mương, suối rải rác qua các xóm cung cấp nước cho việc tuới tiêu phục vụ sản xuất.
1.4. Các nguồn tài nguyên
Tài nguyên đất: Tổng diện tích đất đai toàn xã theo địa giới hành chính là 1707,79ha. Trong đó: đất nông nghiệp là: 1567,52ha; đất phi nông nghiệp là 140,27ha.
Tài nguyên nước: Nguồn nước mặt có hệ thống Sông Đu và sông Thác Dài chảy qua địa bàn và các tuyến mương, suối nhỏ kết hợp với nguồn nước mưa cùng các nguồn ở các hồ chứa của xã đã phần nào đáp ứng đủ cho nhu cầu tưới tiêu phục vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp của xã.
Nguồn nước ngầm: có độ sâu từ 5 – 15m với chất lượng được coi là đảm bảo vệ sinh đáp ứng cho khoảng 95% số hộ.
Tài nguyên rừng: xã có 921,07ha trong đó có: 921,07ha rừng sản xuất, 0ha rừng phòng hộ. Thảm thực vật gồm các cây thân gỗ như: Dung, Dẻ, Bồ Đề, Trám, Trẹo, Mỡ, Keo….các cây dây leo, cây bụi như: Sim, mua, lau …
Tài nguyên khoáng sản: Xã Ôn Lương không tài nguyên khoáng sản gì đặc biệt.
Tài nguyên nhân văn: Với 7 dân tộc anh em chung sống trên địa bàn. Tày trên 80%, Kinh 8%, còn lại là các dân tộc Nùng, Giao, Sán Chí, Hoa, Mường, phong tục tập quán chủ yếu là theo phong tục của người dân tộc Tày.
2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Những năm gần đây nền kinh tế - xã hội của Ôn Lương tương đối ổn định, thu nhập chủ yếu của người dân chủ yếu phụ thuộc sản xuất nông, lâm nghiệp, nguồn lao động đa số là người có độ tuổi từ 40-60 và người già. Lao động trẻ tuổi tập trung tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp, đa số là lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc đào tạo sau khi được tuyển dụng.Trình độ dân trí không đồng đều. Tuy nhiên người dân xã Ôn Lương có tinh thần lao động cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất cũng như trong quản lý kinh tế - xã hội
2.1 Tăng trưởng kinh tế
Nền kinh tế thị trường xã Ôn Lương tăng trưởng ở mức trung bình, số tổng thu ngân sách hàng năm thấp, thu ngân sách hàng năm tăng 22,8%. Do là một xã thuần nông, xã không có các khu trung tâm dịch vụ thương mại lớn, không có khu du lịch và các khu di tích lịch sử để thu hút khách thập phương. Khu thương mại duy nhất của xã Ôn Lương tập trung ở khu trung tâm xã, có chợ xã với diện tích khoảng 2400m2. Thu nhập trung bình của người dân xã Ôn Lương đạt mức 36.000.000đ/người/năm. Nguồn thu chủ yếu là từ sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ buôn bán nhỏ, tiền lương công nhân tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp và nguồn ngoại tệ do xuất khẩu lao động gửi về.
2.2 Thực trạng phát triển các khu vực kinh tế trong thời gian qua
Sản xuất nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thế mạnh của xã; tập trung quy mô xây dựng mô hình phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với khoa học kỹ thuật được áp dụng. Giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản tăng 3%; giá trị sản phẩm trên 01ha đất trồng trọt đạt 85 triệu đồng/năm. trong thời gian qua xã Ôn Lương tăng cường chỉ đạo nhân dân trồng cấy giống lúa Nếp vải đặc sản, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP mang lại thu nhập cho người dân.
Sản lượng lương thực cây có hạt bình quân đạt 2.166,24 tấn. Một số sản phẩm nông nghiệp khác như: chè búp tươi đạt 570tấn/năm; nuôi trồng thủy sản đạt 55tấn/năm; Toàn xã có 15 trang trại và gia trại đang hoạt động và doanh thu khá ổn định.
Kinh tế đồi rừng có bước phát triển khá mạnh, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, khai thác có hiệu quả diện tích rừng sản xuất, gắn với rừng trồng sau khai thác và bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, bình quân mỗi năm trồng được 52ha nâng tỉ lệ che phủ rừng của xã đạt 53%. Sản lượng khai thác các loại gỗ trên địa bàn 2.300m3/năm, nhập xưởng trên địa bàn và các địa phương khác về 2.673m3.
Sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: Toàn xã có 90 hộ kinh doanh, trong đó: 03 hộ buôn bán vật liệu xây dựng, 03 cơ sở gia công cơ khí, 15 cơ sở chế biến gỗ; 02 doanh nghiệp và 10 cơ sở dịch vụ hoạt động có hiệu quả; 02 hợp tác xã là Hợp tác xã nông sản sạch và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; Thành lập 02 tổ liên kết sản xuất lúa nếp vải và mật ong đạt tiêu chuẩn.
Công tác thu chi ngân sách được tập trung chỉ đạo tốt, việc quản lý và khai thác các nguồn thu đạt hiệu quả, đảm bảo thu đúng, thu đủ nên số thu năm sau luôn cao hơn năm trước từ 4,56% trở lên. Tổng chi ngân sách năm đạt 36,9 tỉ đồng/năm.